© 2017 Bản quyền thuộc về Anova Feed - CÔNG TY CỔ PHẦN ANOVA FEED
Ai không nên ăn trứng lòng đào?
Hầu hết những người khoẻ mạnh không nên quá lo lắng về việc ăn trứng lòng đào. Kylene Bogden, chuyên gia dinh dưỡng kiêm đồng sáng lập Tổ chức dinh dưỡng thể thao Fwdfuel, lưu ý: “Những người nên hạn chế ăn trứng lòng đào/trứng tái, trứng chảy là phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già và những người có hệ miễn dịch kém, dễ bị tổn thương”.
Trứng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời và đã được chứng minh có thể giúp tăng cường trí não, sáng mắt, tốt cho tim và xương khớp,...
Nghiên cứu cho thấy một quả trứng luộc có chứa 77 calo, 6g protein, 5g chất béo, các vitamin A, B5, B12, D, E, K, B6, folate, phốt pho, selen, canxi và kẽm.
Ăn trứng đã được nấu chín sẽ an toàn hơn và cũng dễ tiêu hoá hơn. Một nghiên cứu của Đại học Putra Malaysia cho thấy cơ thể sẽ dễ tiêu hoá protein trong trứng hơn nếu chúng được nấu chín. Một nghiên cứu khác từ Bỉ cho thấy con người sẽ sử dụng được 91% lượng protein có trong trứng đã được nấu chín, ở trứng sống, hàm lượng này chỉ là 51%.
Tuy nhiên, trứng chín quá kỹ cũng giảm bớt giá trị dinh dưỡng. Một nghiên cứu đã cho thấy hàm lượng vitamin A có trong trứng có thể giảm từ 17-20% khi được nấu chín. Hàm lượng chất chống oxy hoá trong trứng cũng bị giảm đi trong quá trình nấu nướng.
Một nghiên cứu khác nữa cho thấy các phương pháp nấu trứng thông dụng như nấu chín bằng lò vi sóng, luộc và rán sẽ làm giảm từ 6-18% hàm lượng chất chống oxy hoá. Do đó, hãy lưu ý thời gian nấu trứng cũng như nhiệt độ để giữ được tối đa hàm lượng dinh dưỡng của trứng.
Những rủi ro khi ăn trứng lòng đào
Có những rủi ro khi ăn trứng lòng đào, đó là nguy cơ nhiễm vi khuẩn salmonella .
Salmonella là một loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào thức ăn hoặc nước uống và có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, ớn lạnh và nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn ở những đối tượng dễ bị tổn thương.
Salmonella có thể tồn tại trên các thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết bất kỳ thực phẩm nào có nguồn gốc động vật - như trứng, thịt gia cầm, thịt bò và cá - “đều có khả năng bị nhiễm khuẩn salmonella”. Amanda Holtzer, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho biết: “Ăn bất kỳ sản phẩm nào trong danh sách này khi chưa được nấu chín hoặc sống đều có thể không an toàn”.
Làm thế nào để trứng lòng đào không quá sống?
Chuyên gia Holtzer nói: “Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, khi chiên trứng nên chiên ít nhất trong vòng từ 2-3 phút cho tới khi lòng trắng trứng săn lại, khi lắc chảo lòng trắng không lắc lư hoặc không trong như thạch. Lòng đỏ trứng cũng không nên quá chảy”.
Bạn nên nấu trứng ở nhiệt độ từ 62-70 độ C. “Bảo quản trứng đúng cách có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Bạn nên bảo quản trứng trong tủ lạnh. Không nên để trứng ra khỏi tủ lạnh quá lâu trước khi nấu bởi nhiệt độ của trứng càng cao thì khả năng sinh sôi vi khuẩn cũng sẽ càng tăng lên”, chuyên gia Holtzer gợi ý.
Chuyên gia Holtzer nhấn mạnh, điều quan trọng là không nên sử dụng những quả trứng đã bị nứt hoặc vỡ. Thêm vào đó, bạn nên rửa sạch trứng và đừng quên rửa tay trước khi nấu trứng để ngăn ngừa lây lan vi khuẩn.
mẹo để nấu một món trứng lành mạnh
- Dùng phương pháp nấu ít calo: Trần hoặc luộc trứng là cách đơn giản để không tăng thêm chất béo cho món trứng và sẽ giúp món ăn ít calo hơn là chiên, bác hoặc ốp lết.- Ăn trứng cùng rau, củ, quả: Trứng có thể kết hợp cùng nhiều loại rau, củ, trái cây khác nhau. Ăn trứng cùng các loại thực phẩm này sẽ giúp bổ sung thêm cho cơ thể nguồn vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hoá.- Chiên trứng với các loại dầu chứa chất béo không bão hoà như dầu quả bơ, dầu hướng dương, dầu oliu,...- Không nấu trứng quá kỹ.