Bác sĩ gây mê ngày nay được xem như là bác sĩ “chu phẫu” với ý nghĩa là người chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân từ giai đoạn trước mổ như khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và thảo luận chung với các bác sĩ phẫu thuật để lên một kế hoạch phẫu thuật an toàn nhất cho người bệnh. Các bác sĩ gây mê cũng chính là người sẽ đưa bệnh nhân vào trạng thái “vô cảm” bao gồm cung cấp giấc ngủ, kiểm soát đau, hỗ trợ và duy trì các chức năng sống trong suốt quá phẫu thuật. Và cuối cùng, các bác sĩ gây mê sẽ phối hợp chăm sóc, kiểm soát đau sau mổ để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và xuất viện sớm.
Các bác sĩ gây mê làm gì để chăm sóc bệnh nhân trong khi phẫu thuật?
Việc chăm sóc và bảo vệ bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các bác sĩ gây mê. Sau khi tiến hành gây mê cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, tránh các điểm tỳ đè lên người bệnh và theo dõi sát các chức năng sống quan trọng như tim mạch và hô hấp. Trong những trường hợp phẫu thuật phức tạp hay nguy kịch, các bác sĩ gây mê sẽ tiến hành hồi sức tích cực như truyền máu, sử dụng các loại thuốc hồi sức để đảm bảo duy trì các chức năng sống, tạo cho các bác sĩ phẫu thuật yên tâm tập trung cho đến khi kết thúc ca mổ.
Vì sao bệnh nhân ít khi biết tới vai trò của bác sĩ gây mê?
Vì theo lẽ thường, các bác sĩ gây mê chỉ được nhắc tên nếu ca mổ… có sự cố, còn khi ca mổ thành công rực rỡ, bác sĩ gây mê yên ắng lui về hậu trường. Suốt ca mổ, bác sĩ gây mê canh gác tất cả dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và hầu như bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, bác sĩ gây mê cũng ở tuyến đầu: bệnh nhân mất máu quá mức, rối loạn đông máu, thay đổi nhiệt độ…. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, chỉ biết sai một ly đi một… đời người: thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật, có thể tử vong tức thì. Thừa một chút thuốc, bệnh nhân có khi không bao giờ dậy nữa. Khi vào phòng mổ, bệnh nhân phẫu thuật đâu chỉ dùng thuốc mê mà còn hàng loạt hóa chất khác. Bác sĩ gây mê chính là nhạc trưởng phối hợp thuốc mê với hàng loạt thuốc khác như: thuốc giãn cơ, vận mạch, co mạch, giãn mạch, tăng co bóp cơ tim… để bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất. Để rồi khi ca mổ thành công, bệnh nhân được đưa ra ngoài để bác sĩ gây mê tiếp tục làm công việc hồi tỉnh, hồi sức cho bệnh nhân.
Sự thật là, bước vào ngành gây mê vì mê khoa học tỉ mỉ, mê những công thức tính toán, bác sĩ gây mê không chỉ là người trợ giúp bệnh nhân khi họ lên bàn mổ mà còn là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực của họ trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần. Sức khỏe bệnh nhân hồi phục chính là niềm vui và phần thưởng xứng đáng cho mọi khó khăn, vất vả. Vâng, niềm hạnh phúc của một bác sĩ đơn giản lắm, mà cũng vĩ đại lắm!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
Các bác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng và tiên quyết trong việc chăm sóc cho bệnh nhân trước, trong và sau khi phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây mê của bạn sẽ gặp bạn để thảo luận về các cuộc phẫu thuật trước đây và tiền sử bệnh trong quá khứ của bạn, cũng như tóm tắt cho bạn về sự chăm sóc sắp tới của bạn cho cuộc giải phẫu.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê của bạn là một phần trong một nhóm thiết yếu không thể thiếu cho sức khoẻ và an toàn của bạn và được hỗ trợ bởi một y tá gây mê và/hoặc một bác sĩ gây mê thực tập (thực tập sinh). Nhóm này theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ và sự an toàn của bạn trong suốt quá trình để đảm bảo bạn có thể phục hồi suôn sẻ và thoải mái.
Các bác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sức cho các bệnh nhân không khỏe mạnh trong suốt quá trình phẫu thuật, bao gồm nạn nhân chấn thương, và hỗ trợ chế ngự cơn đau của bệnh nhân bị đau cấp tính hoặc mãn tính, cũng như giảm đau cho phụ nữ đang chuyển dạ.