Các đại biểu trong lễ khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP/Minh Anh
Khai mạc Lễ hội du lịch Hà Nội 2024
Tối 26/4, tại Công viên Thống nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”.
Lễ hội Du lịch là hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thường niên lớn nhất của thành phố Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện. Đây là sự kiện được chờ đợi nhất đối với những người yêu thích du lịch, yêu Hà Nội và say mê khám phá vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Tới dự có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo hiệp hội du lịch.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương chia sẻ, với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”, trong thời gian diễn ra lễ hội tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông sẽ có hoạt động biểu diễu, múa rồng, trình diễn nghệ thuật, trang phục truyền thống quảng bá du lịch các địa phương, giới thiệu sản phẩm du lịch.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”
Thứ trưởng Hồ An Phong và Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương tặng hoa các đơn vị đồng hành
Diễn ra từ ngày 25 - 28/4, tại Công viên Thống Nhất, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 có quy mô 150 gian hàng, thu hút một lượng lớn doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không.
Lễ hội bao gồm các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Các khu giới thiệu các sản phẩm kích cầu du lịch, khu gian hàng ẩm thực, khu giới thiệu du lịch làng nghề truyền thống, hội nghị "Hà Nội – Điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử"...
Thứ trưởng Hồ An Phong thăm và nghe giới thiệu về các địa điểm du lịch của quận Hoàn Kiếm.
Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2024 được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng, quảng bá điểm đến du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn tại Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm-Sơn Tây và nhiều địa điểm hấp dẫn khác.
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội, liên tục có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống nhằm mang đến sự đa dạng cho hoạt động trải nghiệm của các tầng lớp nhân dân và du khách như: Giải đấu Streets dance; nhảy Flashmob; biểu diễn nghệ thuật múa rối nước “Hoàng thành Thăng Long”; múa rồng nghệ thuật; biểu diễn nhạc cụ dân gian “Thủ đô hào hùng”; hoạt động vẽ tranh “Cảm xúc trong em”…
Người dân tiếp cận tour du lịch với giá ưu đãi tại Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024.
Thông qua những hoạt động này sẽ tạo thành không gian kết nối du lịch nội vùng Hà Nội cũng như liên vùng giữa Thủ đô và các địa phương giúp du khách trải nghiệm nhiều địa điểm và sản phẩm du lịch.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch kết nối và phát triển thị trường, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội nói riêng cả nước nói chung góp phần vào sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024, sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch lớn nhất được tổ chức thường niên của thành phố Hà Nội, sẽ mang tới cho du khách và người dân những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú đa dạng.
Ngày 2-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử hấp dẫn của Hà Nội, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch của Thủ đô, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đây cũng là sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Lễ hội là hoạt động thường niên kích cầu du lịch được tổ chức có quy mô, khuyến khích người dân và du khách đi du lịch tới các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội như: Phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng, khu du lịch Sóc Sơn, hồ Quan Sơn (Quốc Oai), hồ Đồng Mô (Sơn Tây)...
Bên cạnh đó, Lễ hội Du lịch Hà Nội giới thiệu những giá trị độc đáo, đặc sắc của các làng nghề ẩm thực Hà Nội, kết nối di sản văn hóa, lịch sử Hà Nội với các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình...
Năm nay, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 hướng tới loại hình du lịch có trách nhiệm, hưởng ứng chương trình “Năm Du lịch Quốc gia năm 2024” với mục tiêu du lịch Việt Nam bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo dự kiến, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 có 150 gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch Thủ đô và các gian giới thiệu du lịch, đặc sản các địa phương. Tại đây, các đơn vị doanh nghiệp du lịch, điểm đến hàng không sẽ giới thiệu những sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay với nhiều chương trình hấp dẫn.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có không gian tiểu cảnh được thiết kế 2D, 3D giới thiệu những điểm du lịch nổi bật của Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thành cổ Sơn Tây, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... Người dân và du khách còn được trải nghiệm không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội.
Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 26-4 với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi hấp dẫn.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thức quà Hà Nội” sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-8 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức thường niên, quảng bá hình ảnh Thủ đô - Điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2-9. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với chủ đề “Thức quà Hà Nội”, lễ hội năm nay chủ trương phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ẩm thực quà tặng, một hình thức du lịch đang là xu hướng mới tại nhiều quốc gia. Du khách sẽ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống đặc trưng của Hà Nội, nhất là những thức quà mùa thu, khám phá câu chuyện văn hóa của Hà Nội sau mỗi thức quà.
Lễ hội còn nhằm vinh danh nghệ nhân dân gian, sưu tầm, bảo tồn những công thức, cách chế biến xưa - nay, gìn giữ và phát huy kho tàng ẩm thực không chỉ của người Việt, mà còn của đồng bào các dân tộc trên khắp đất nước, góp phần phát triển ngành du lịch Thủ đô.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm nay, có khoảng 100 đơn vị tham gia lễ hội, trong đó có hơn 20 gian hàng ẩm thực và nhiều không gian check-in cho du khách. Nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Nội sẽ được giới thiệu tại lễ hội như: Cốm, bánh cuốn Thanh Trì, bánh mì Phố, phở cuốn Hương Mai, kẹo lạc Đường Lâm, chè kho, bia hơi Hà Nội, nem, mứt sen, bánh chả...
Ngày 21-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Vũ Thị Phúc, cơ sở cốm Mộc Lam, có truyền thống 3 đời làm cốm ở làng Mễ Trì, cho biết, tham gia lễ hội, cơ sở giới thiệu các sản phẩm cốm gia truyền Hà Nội như: Cốm tươi, xôi cốm, cốm xào và các loại ô mai. Năm nay, cơ sở nâng cấp, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để quảng bá tốt hơn nữa đặc sản Hà Nội tới du khách.
Trong khi đó, cơ sở sản xuất kẹo lạc Hiền Bao ở làng cổ Đường Lâm cho biết, đã chuẩn bị những món bánh kẹo quê dân dã và mộc mạc để giới thiệu tới du khách. Kẹo lạc Đường Lâm nổi tiếng thơm, giòn, nhiều lạc và đã giảm độ ngọt để đáp ứng thị hiếu của khách hiện nay.
Kích cầu du lịch mùa thu Hà Nội
Lễ hội Quà tặng du lịch năm nay còn quảng bá các sản phẩm quà tặng du lịch thương hiệu Việt tới du khách nội địa và quốc tế. Những sản phẩm quà tặng từ các làng nghề truyền thống của Hà Nội sẽ được giới thiệu rộng rãi nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị độc đáo của các di sản văn hóa và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - làng cổ - làng văn hóa Hà Nội Nguyễn Văn Sử chia sẻ, đến với lễ hội, du khách không chỉ được xem sản phẩm quà tặng từ các làng nghề, mà còn trải nghiệm nhiều hoạt động như làm chuồn chuồn tre, làm hoa nghệ thuật, đồ tái chế... Ngoài ra, du khách còn được giao lưu với các nghệ nhân diều sáo nổi tiếng của Hà Nội, như: Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm (nghệ nhân diều sáo Bá Giang); Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Mai, Nguyễn Gia Độ (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng).
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc, gồm các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, trình diễn công nghệ 3D mapping, nghệ thuật múa bóng đương đại… với nội dung truyền tải câu chuyện ẩm thực xưa - nay.
Ngoài ra, lễ hội còn có không gian giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, quảng bá tour tuyến, giới thiệu sản phẩm du lịch, các chương trình khuyến mại, kích cầu của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để lễ hội thêm phần hấp dẫn và thu hút, Ban tổ chức sẽ có không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống và các di sản phi vật thể của Hà Nội như: Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất; trình diễn hát chèo tàu xã Tân Hội, nghệ thuật hát ca trù xã Thượng Mỗ của huyện Đan Phượng.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2024 mở đầu cho loạt sự kiện, hoạt động kích cầu, quảng bá du lịch mùa thu Hà Nội. Sự kiện kỳ vọng sẽ thu hút hàng vạn người dân và du khách.