EU là thị trường nhập khẩu thủy sản (NKTS) lớn nhất của Việt Nam. Nhưng từ năm 2019, vị trí này đã hạ xuống thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc). Về phía EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nhu cầu NKTS của EU là rất lớn, trên 50 tỷ USD/năm. Vì vậy, EU vẫn là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản (XKTS) Việt Nam trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng trong những năm tới.
Khắt khe về phát triển bền vững
Thỏa thuận Xanh (EGD) là gói sáng kiến chính sách khung nhằm xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Hiện EU đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) buộc nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Nếu lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định. Đồng thời, EU cũng đã ban hành Quy định chống suy thoái rừng (EUDR), trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm sản phải chứng minh không liên quan hoạt động phá rừng.
Không chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản… cũng đang dần áp dụng các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh không chỉ xuất phát từ chủ trương của các chính phủ về việc phát triển bền vững mà còn là yêu cầu, mong muốn của khách hàng sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hiện nay nhằm bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống toàn cầu.
Những năm gần đây, ngành cá tra nói riêng và ngành thủy sản nói chung đã và đang tập trung phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm, đổi mới công nghệ nuôi trồng và chế biến… khẳng định chỗ đứng vững vàng trên thương trường quốc tế.
Xuất khẩu tôm sang EU trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 150 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng hai con số: xuất khẩu sang Đan Mạch tăng 88%, sang Đức tăng 29%, sang Hà Lan tăng 37%, sang Bỉ tăng 39%.
Với mặt hàng cá tra, nhiều thị trường trong khối EU vẫn ghi nhận tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam như Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, và Bồ Đào Nha tăng 15%.
Tuy nhiên, với việc EU và nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện các biện pháp thắt chặt quy định và tiêu chí liên quan đến môi trường, điều này đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam và nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản khác.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, các tiêu chí khắt khe của các nhà nhập khẩu châu Âu đã và đang tạo ra áp lực không nhỏ lên sản phẩm Việt Nam, đặc biệt từ năm 2023 tới nay. Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản vào châu Âu đang chững lại và “tụt hậu” so với nhiều thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại các quy định mới của EU về cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu… sẽ khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh sản phẩm tiêu thụ khó khăn do kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tuy nhiên, “khó người, khó ta”, các quy định mới của EU về sản phẩm xanh được áp dụng với mọi sản phẩm từ tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì sản phẩm từ Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp và các vùng nuôi của Việt Nam sẽ chủ động và tích cực như thế nào trong việc đáp ứng các tiêu chí nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm “thủy sản xanh” bền vững vào EU.
Theo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu của ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng, góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 – 16 tỷ USD.
Các lĩnh vực thuộc “Thỏa thuận xanh” ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản, là việc áp dụng kỹ thuật canh tác và sản xuất bền vững, đầu tư công nghệ chế biến để giảm chất thải độc hại ảnh hưởng môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh… Đây là các vấn đề không mới, song sẽ cần một nguồn lực không hề nhỏ để hiện thực hóa “giấc mơ xanh”.
Người nuôi trồng và các nhà máy chế biến tại Việt Nam đều mong muốn tiếp cận các giải pháp và nguồn lực để phát triển một ngành nông nghiệp bền vững “không lạm dụng tự nhiên”, giúp người nông dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương thức nuôi trồng bền vững mà vẫn đảm bảo sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024 và các năm tới.
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 vào các thị trường trên toàn cầu đều tăng. Xuất khẩu sang Châu Á đạt 11,31 tỷ USD; Châu Mỹ 5,4 tỷ USD; Châu Âu 3,2 tỷ USD; Châu Phi 459 triệu USD và Châu Đại Dương 341 triệu USD. Riêng xuất khẩu thủy sản đạt 3,5 tỷ USD.